“Miền sa thảo” Ninh Thuận sẵn sàng bứt phá

0
Uncategorized

Nhận diện được thế mạnh của vùng đất “ít mưa, thừa nắng”, Ninh Thuận đang thực hiện các giải pháp đồng bộ, đặt mục tiêu xây dựng địa phương trở thành điểm du lịch quan trọng trong chuỗi du lịch duyên hải miền Trung và Tây nguyên.

“Miền sa thảo” độc nhất Đông Nam Á

Ông Nguyễn Long Biên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết Ninh Thuận được ví như “Miền sa thảo” độc nhất Đông Nam Á. Phía đông có bờ biển dài hơn 105 km, với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: bãi biển Bình Sơn – Ninh Chữ, Bình Tiên, Hang Rái, Vườn quốc gia Núi Chúa còn mang đậm nét rừng nguyên sinh, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới; Vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam.

Con đường ven biển Ninh Thuận

Ở khu vực phía nam là những đồi cát trắng mênh mông, trải dài như một vùng sa mạc, có nhiều nơi ôm trọn dọc bãi biển hàng chục ki lô mét mà không nơi nào có được. Cùng với đó, nghệ thuật văn hóa Chăm với những làn điệu dân ca, múa Chăm, cùng với các nghề truyền thống và những phong tục tập quán, các nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm, các tháp Chăm cổ kính như: Tháp Pôklông Garai, tháp Pô Rômê, tháp Hòa Lai hầu như còn nguyên vẹn. Các làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc của đồng bào Chăm cổ xưa nhất Đông Nam Á… đã trở thành những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của nền văn hóa Việt Nam.

Khí hậu nắng ấm quanh năm cũng là một lợi thế tự nhiên giúp Ninh Thuận phát triển những loại cây trồng, vật nuôi mang tính đặc thù của địa phương như: cừu, nho, táo… tạo nên bức tranh du lịch đặc thù của Ninh Thuận. Về địa lý, Ninh Thuận nằm giữa ngã ba nối liền vùng kinh tế trọng điểm phía nam với Nam Trung bộ – Tây nguyên; cách TP.HCM 350 km, TP.Nha Trang 105 km và TP.Đà Lạt 110 km; cách sân bay Cam Ranh 70 km…thuận tiện cho việc đi lại.

Đến nay, Ninh Thuận cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 57 dự án dịch vụ du lịch, với tổng vốn đăng ký trên 29.686 tỉ đồng; trong đó có 19 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 3.180 tỉ đồng. Sự xuất hiện của những tổ hợp giải trí nghỉ dưỡng biển quy mô, đẳng cấp quốc tế như: SunBay Park, Sailing Bay Ninh Chữ, Amanoi, Hoàn Mỹ, Aminia Ninh Chữ… cùng với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hàng đầu về du lịch trong nước và quốc tế, như: Crystal Bay, Vinpearl, T&T, TDH Ecoland, FLC… tìm đến đầu tư, phát triển du lịch trên địa bàn Ninh Thuận là minh chứng cho chính sách thu hút đầu tư đúng đắn của tỉnh.

Đua mô tô trên cát thường xuyên được tổ chức ở khu vực Mũi Dinh, thu hút du khách

Sẵn sàng bứt phá

Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ninh Thuận đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đón 3,5 triệu lượt khách; đến năm 2030, đón 6 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt 2.900 tỉ đồng, đến năm 2030 đạt 5.900 tỉ đồng; đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với đóng góp khoảng 15% GRDP…

Để đạt được mục tiêu này, Ninh Thuận chú trọng phát triển sản phẩm du lịch với nhóm 4 sản phẩm đặc thù, 4 sản phẩm mới lạ và 4 sản phẩm bổ trợ, gồm: du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; du lịch văn hóa (đặc biệt di sản văn hóa Chăm); du lịch nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa. Cùng với đó phát triển 4 sản phẩm mới lạ là khám phá và vui chơi giải trí cát – muối; săn bắn bán hoang dã; du lịch trải nghiệm đường sắt; điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe và 4 sản phẩm bổ trợ là du lịch cộng đồng; vui chơi giải trí và ẩm thực; tham quan sản xuất năng lượng tái tạo; thương mại du lịch. Phát triển du lịch theo không gian, lãnh thổ để khai thác tiềm năng đặc trưng, giàu bản sắc của mỗi vùng.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách nhà nước gắn với nguồn lực từ khu vực tư nhân theo hình thức đối tác công – tư để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; tăng cường liên kết vùng, kết nối giữa các địa phương với kế hoạch phát triển tương xứng; mở rộng kết nối giao thông với các đầu mối giao thông du lịch quan trọng như sân bay Cam Ranh, cảng Cam Ranh, dự án sân bay Phan Thiết (sau khi hoàn thành), cao tốc Bắc -Nam; kêu gọi đầu tư dự án khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang – Đà Lạt kết hợp phát triển du lịch…

Đặc biệt, Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ được Thủ tướng chính phủ giao Ninh Thuận lập quy hoạch với quy mô 35.138 ha đang được Bộ Xây dựng tiến hành thẩm định quy hoạch. Khi được phê duyệt, Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ sẽ cùng với các khu, điểm du lịch quốc gia khác trong vùng duyên hải Nam Trung bộ, vùng Tây nguyên và Đông Nam bộ hình thành các tuyến du lịch mang tính liên kết, phát huy lợi thế, cùng phát triển theo hướng bền vững.

(Theo Thanh niên)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *