Ninh Thuận ơi

0
Uncategorized

Cảm ơn Travel Bloger Lý Thành Cơ với bài viết vô cùng sâu sắc và chi tiết về trải nghiệm tại mảnh đất Ninh Thuận. GoNinhThuan xin được chia sẻ lại bài viết của anh.

Tôi về Ninh Thuận như một lời hứa với bản thân “sẽ đi khám phá Việt Nam mình nhiều hơn” sau khi đã đi được hơn 30 nước quanh thế giới. Nhiều lần ghé qua Bình Thuận ở Lagi – Phan Thiết – Mũi Né, nhưng cứ hễ chạy đến Bàu Trắng, tôi lại dừng chân và chưa một lần ghé qua vùng đất mang tên Ninh Thuận nằm ở Nam Trung Bộ Việt Nam. Thế là một ngày đẹp trời cuối tuần, tôi chỉ quẳng balo lên vai, kéo người yêu đi về nơi này với mong muốn giản đơn là được ngắm nhìn đất nước mình thật rõ và ôm Việt Nam mình vào lòng thêm nhiều lần nữa.

Tới Ninh Thuận, đến thành phố Phan Rang, tôi chẳng hy vọng nhiều, chỉ nghĩ rằng đây sẽ chuyến đi trốn Sài Gòn dịp cuối tuần không suy nghĩ nhiều. Thế nhưng Phan Rang đón tiếp tôi bằng những bất ngờ qua nhiều giác quan kỳ diệu. Đúng là chỉ khi ta đặt ít kỳ vọng, thất vọng sẽ không đuổi bám ta. Và tôi được dịp gọi “Ninh Thuận ơi…” đầy trìu mến.

Cheo leo, cheo leo ở Đèo Cây Cóc nhìn ra Vịnh Vĩnh Hy.

Bước chân vào vẻ đẹp Chăm

Xê dịch nhiều, tôi vốn yêu thích hai điều: tự nhiên và văn hoá. Người ta nghĩ tới Ninh Thuận chắc hẳn sẽ là nắng, gió, cát, biển chạy dài theo chân ngày. Nhưng tôi xin bắt đầu kể câu chuyện của mình tại vùng đất này bằng nét văn hoá Chăm tuyệt đẹp.

Tháp Chăm xinh đẹp
Tháp Chăm buổi chiều tà

Ngày đầu tiên, tôi tới homestay và thuê chiếc xe tay ga, đổ một chút xăng và chạy xe băng băng qua những con đường đi tìm về màu sắc văn hoá Chăm khiến tôi hứng thú.

Chạy về phía nam của thành phố Phan Rang có hai làng nghề Chăm tôi tìm thấy trên Google: làng gốm Bàu Trúc và làng nghề dệt Mỹ Nghiệp.

Làng gốm Bàu Trúc

Nằm dọc trên quốc lộ 1A, chỉ đi 10 km từ Phan Rang, tôi đã đặt chân tới Bàu Trúc. Tới làng gốm Bàu Trúc – một trong những ngôi làng gốm cổ nhất còn tồn tại ở Đông Nam Á – những nghệ nhân đã đem những chiếc bình lớn vào lò nung. Điều độc đáo tại làng nghề Bàu Trúc chính là độ thủ công của những tác phẩm được nhào nặn bằng tay chứ không sử dụng bàn xoay để nặn gốm. Chất liệu cũng là một điều thú vị khi đất sét được lấy từ dòng sông Quao gần đó, cát được trộn vào đất sét tuỳ theo mục đích sử dụng của gốm chứ không trộn theo công thức. Các hoa văn trên gốm Bàu Trúc được lấy cảm hứng từ dòng sông, chấm vỏ sò và cây cỏ tạo. Ngày nay, Bàu Trúc được phát triển hơn về thẩm mỹ và nở rộ nhiều loại hoa văn mới tinh xảo. Điều đáng tiếc tôi tới hơi muộn ngày hôm đó nên những nghệ nhân đã nghỉ tay và không được tận mắt chứng kiến quá trình nghệ thuật thủ công ấy. Bạn có thể vào làng miễn phí và không ai chào mời bạn mua gốm một cách kịch liệt như bao nơi khác cả, đó là điều tôi quý ở vùng đất này.

Làng dệt Mỹ Nghiệp

Đối diện làng gốm Bàu Trúc là một nét đẹp văn hoá nữa mà tôi được dịp khám phá. Nơi đây vừa được trùng tu lại, những ngôi nhà có kiến trúc đơn giản nhưng vẫn có nét Chăm với kiến trúc mái vòm đặc trưng. Chỉ cần nhìn vào đã biết tôi đang ở một nơi đậm văn hoá Chăm. Vào bên trong với không có quá nhiều kỳ vòng thì tôi lại được chiêm ngưỡng 4 nghệ nhân đang dệt vải, 2 người ngồi dưới đất và 2 người ngồi trên ghế cùng một nữ học viên tập sự nhỏ tuổi đang ngồi dệt ra những sản phẩm với hoa văn Chăm tuyệt đẹp.

Tháp Pô Klông – Garai

Nằm ở phía Bắc thành phố Phan Rang, Pô Klông-Giarai là một quần thể di tích tháp Chăm nổi tiếng tại Ninh Thuận. Tôi đến đây khi trời còn hửng nắng và trời chiều đã tà, thế nhưng vẻ đẹp của tháp đến từ xa. Nếu tới gần nơi đây sẽ thật nhỏ bé đối với những quần thể tháp Chăm khác mà bạn từng ghé ở gần Nha Trang, nhưng từ xa, nhìn quần thể ấy hùng vỹ nằm trên ngọn đồi cao, cảm giác thật khó tả.

Phí vào tham quan là 15,000 VNĐ, và phí giữ xe là 5,000 VNĐ/chiếc nhé.

Thiên nhiên Ninh Thuận – Cát, biển và những cung đường

Ngày thứ hai, tôi cảm thấy sướng rân người khi được chạy qua những cung đường Ninh Thuận, đặc biệt là đoạn đường xuyên qua Vườn quốc gia Núi Chúa, nơi tôi có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và chưa bị khai thác quá độ.

Nhưng trước tiên, hãy để tôi đưa bạn đến phía nam Ninh Thuận, nơi có cát và cát…

Đồi cát Nam Cương

Có lẽ, nghe đến cát, mọi người sẽ nghĩ đến những đụn cát khổng lồ ở Mũi Né, thế nhưng Ninh Thuận cũng có điều đó, và còn đẹp đẽ không hề thua kém. Chạy băng băng 10 cây số về phía Đông Nam của Phan Rang, tôi thấy lạ vì đoạn đường đi nhanh hơn tưởng tượng vì sự vắng vẻ và chưa bị khai thác của mình. Cảm tưởng đi đến nơi này nếu không có bản đồ chắc hẳn sẽ không biết là đến một điểm đến nổi tiếng. Và khi tới nơi đây, tôi đã không thất vọng. Một màu cát vàng chảy dài đến chân trời và những đụn cát dư cho bạn trượt lên trên và điều quan trọng là không có một bóng người. Nơi đây yên bình, dù cho gió có bay mạnh đến đâu, sự yên bình vẫn ở đó.

Đồi cát Nam Cương cũng miên man không thua gì đồi cát ở Mũi Né

Hang Rái

Một nơi tôi chỉ thấy dọc đường mà không hề có ý định ghé qua cho đến khi tôi thấy buổi chiều của mình hãy còn dài, và việc lấy xe máy chạy không hoạch định vào một biển chỉ dẫn nào đó cũng không phải là quá tệ. Tôi chỉ thấy biển hiệu trên đường đi Vĩnh Hy với cái tên không mỹ miều “Hang Rái” và rẽ vào. Nhưng có lẽ vẻ đẹp nơi đây với những cấu trúc đá đã khiến tôi hoàn toàn thuyết phục. Những mảng đá với đủ hình thù và màu sắc, và những mảng nước xanh trong tuyệt đẹp. Nơi đây sở dĩ có cái tên Hang Rái là vì từng có nhiều rái cá đến đây làm tổ, nhưng tiếc rằng ngày nay đã chẳng còn. Khi nước biển rút từ hàng thế kỷ trước, mỏm đá san hô tại đây hiện lên, tạo nên một bề mặt như đang đi trên Sao Hoả. Nếu tới đây, hãy chuẩn bị giày thể thao sẵn sàng để không gây thương tích nào.

Phí vào cổng là 20,000 VNĐ.

Kiến trúc đá ở Hang Rái như ở một hành tinh khác.
Kiến trúc đá tuyệt đẹp ở Hang Rái

Lên đèo cây cóc ngắm Vịnh Vĩnh Hy

Rời khỏi Hang Rái, tôi lên đường về phía bắc để đến với vịnh Vĩnh Hy. Đã nghe danh nơi này đã lâu nên tôi vô cùng háo hức và đặt nhiều kỳ vọng. Nhưng khi đến làng du lịch Vĩnh Hy, quang cảnh không mấy đẹp đẽ như tôi từng nghĩ. Thế là tôi lò mò bản đồ, có một điểm ở tít xa bên trên mang tên rất dân dã ĐÈO CÂY CÓC và cứ thế với tay lái trên tay, tôi rẽ lên phía trên cao và đi. “Một ngày mây mù, không phải là ngày tốt nhất để xem vịnh rồi nhỉ?” – tôi nói với người yêu và ảnh cũng gật gù. Nhưng khi lên trên cao, tôi được tưởng thưởng bằng quang cảnh nhìn ra cả Núi Chúa và Vịnh Vĩnh Hy. Tuy thiếu một chút nắng nền nã để soi màu cho vùng nước ngoài khơi, nhưng tôi cũng đủ thấy thoả mãn khi ngồi ở đèo thật cao và gió lồng lộng, những dải mây trên đầu che mất nắng như níu chân người lang thang khắp chốn ngồi lại đây lâu hơn và yêu thêm nơi này.

Phấn khích với ẩm thực Ninh Thuận

Tôi yêu Ninh Thuận nhiều nhất không phải vì đi qua những nơi tuyệt đẹp (tất nhiên đó là một phần) nhưng phần to bự nhất chính là qua đường bao tử với những món ngon tuyệt trần. Và đừng hỏi vì sao, hãy thử đi vì tôi thật kém cỏi khi diễn tả những phong vị của mảnh đất này qua con chữ, nếu tới đây, bạn hãy ghé qua những nơi này bạn nhé:

Bánh căn bánh xèo Hải

Quán Hải nằm gần biển Ninh Chữ, tôi tra thử một website Phan Rang và phát hiện ra, tuy hơi xa so với nơi tôi ở nhưng khi đến đây, tôi hoàn toàn thấy thoả đáng. Ngon đến nao lòng, và rẻ cực kỳ, chỉ 30,000 VNĐ/phần bánh xèo hoặc bánh căn, tôi phải gọi tới 3 dĩa mới đủ nức lòng. Hải sản tươi ngon trong từng miếng bánh căn và bánh xèo, bột mỏng và giòn khiến ăn không ngán, có 3 loại mắm: mắm nêm, nước mắm pha và mắm đậu phộng, đây là nơi tôi yêu thích vô cùng trong chuyến đi này.

Nem cuốn Hiền

Nằm trên đường Trần Bình Trọng ở trung tâm Phan Rang, nơi đây cũng là điểm đến tôi yêu thích, một phần chỉ 35,000 VNĐ nhưng đủ để no say. Ôi sao đồ gì ở Phan Rang cũng ngon đến vậy?

Bánh canh Nhường

Tới đây bánh canh bạn có thể chọn chả cá, cá dằm, hoặc đơn giản là trộn cả 2 lại với nhau. Nếu đã ăn bánh canh, đừng quên cuốn gỏi cá ngon lành được mang kèm ra, giá cả thì miễn phải bàn cãi vì đều chẳng quá 40k, tôi cứ nghĩ ẩm thực Ninh Thuận sinh ra là dành cho khẩu vị của mình vậy.

Thế đó, tôi đến với Ninh Thuận như vậy, không nghĩ suy quá nhiều, không kỳ vọng quá nhiều, nhưng nhiêu đó là tuyệt vời và thoả mãn, tôi chỉ việc tận hưởng nơi này.

“Ninh Thuận ơi… Cơ hẹn ngày ta gặp lại nhé, để được về ăn lại bánh xèo, bánh canh chả cá, để đi qua những cung đường cũ và mới để ta thêm đắm say nhau.”